Chính sách

Thursday 09/03/2023 00:03

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp

07/11/2022 00:11
1317 Lượt xem
TCCKVN Định hướng sửa đổi Nghị định số 68/2017/NĐ-CP về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (Nghị định 68); và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP (Nghị đinh 66), sẽ cố gắng tích hợp đồng bộ, đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan quản lý tại địa phương và trong thực thi của doanh nghiệp.

Phát triển cụm công nghiệp (CCN) có vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ; giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khu vực nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, hoàn thành các mục tiêu cụ thể trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 đã đề ra.

Vướng mắc trong quản lý và phát triển cụm công nghiệp

Tại Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển CCN, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương cho biết, việc thực hiện công tác quản lý và phát triển CCN còn gặp nhiều vướng mắc. Cả nước hiện có 508 CCN đã thành lập do doanh nghiệp làm chủ đầu tư; 481 CCN đã thành lập do đơn vị sự nghiệp công lập làm chủ đầu tư và 30 CCN đã thành lập do UBND cấp huyện/cấp xã làm chủ đầu tư. 42 địa phương đã ban hành, thực hiện chính sách hỗ trợ CCN; trong đó có 13 địa phương ban hành Chương trình/Nghị quyết hỗ trợ riêng đối với CCN giai đoạn đến năm 2025, các địa phương khác lồng ghép chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển CCN trong các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, khuyến công; các địa phương chưa ban hành chính sách phát triển CCN do hạn chế, khó khăn về nguồn thu ngân sách trên địa bàn.

Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp

Chính sách hỗ trợ CCN của các địa phương chủ yếu tập trung vào các nội dung, hạng mục hạ tầng thiết yếu của CCN để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp như: Quy hoạch chi tiết xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, giao thông, xử lý nước thải tập trung, cấp điện, cấp thoát nước, di dời vào CCN. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế nên việc thực hiện hỗ trợ chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Nhiều CCN chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt hạ tầng xử lý môi trường, khó thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư, hiệu quả đầu tư không cao.

Các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN và các doanh nghiệp thứ cấp vào cụm. Nguyên nhân chủ yếu là do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa ưu tiên bố trí cho nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN.

Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực: Đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng liên quan đến cụm công nghiệp còn thiếu đồng bộ, kịp thời… dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong áp dụng, triển khai thực hiện quản lý, phát triển CCN tại các địa phương.

Tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư

Đề xuất giải pháp quản lý và phát triển CCN, ông Quách Tất Liêm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình chỉ rõ, Nghị định 68 quy định về tỷ lệ lấp đầy CCN đạt trên 50% mới được triển khai CCN khác trên cùng địa bàn. Trong khi đó, thời gian thực hiện các thủ tục dài, gây lãng phí cho doanh nghiệp, nên chăng cho phép nhà đầu tư làm cuốn chiếu.

Những quy định về chuyển đổi đất rừng, đất lúa từ 10ha trở lên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào CCN hay khu thiết chế để làm nhà ở cho công nhân cũng cần được “nới” hơn để thuận lợi cho nhà đầu tư.

Còn ông Phạm Bá Oai - Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hoá nhìn nhận: Nghị định 68 và Nghị định 66 đã tạo hành lang pháp lý tốt cho hình thành, quản lý CCN. Tuy nhiên, trong quy hoạch CCN, các tỉnh đề xuất những điều chỉnh nhỏ thì phân cấp cho địa phương nhưng phải nêu rõ nội dung nào phải báo cáo Bộ, nội dung nào chỉ báo cáo tỉnh để tránh vượt thẩm quyền. Mặt khác, quy định chỉ được thu hút đầu tư thứ cấp sau khi đã hoàn thành đầu tư hạ tầng sẽ mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Nên cho phép đầu tư hạ tầng, có thể kêu gọi đầu tư thứ cấp và dự án thứ cấp chỉ được đi vào hoạt động khi hoàn thành hạ tầng; đồng thời cần có mẫu thống nhất về quy chế quản lý riêng trong CCN để không trở thành rào cản.

Định hướng sửa đổi Nghị định 68 và Nghị định 66, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, sẽ cố gắng tích hợp toàn bộ nội dung phát triển CCN vào một văn bản, đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan quản lý tại địa phương và trong thực thi của doanh nghiệp. Coi trọng yếu tố lựa chọn để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tận dụng ưu thế địa phương, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên đất, trong đó ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao.

Mạnh Hùng

Có thể bạn quan tâm

Chính phủ yêu cầu nghiên cứu giảm 50% phí trước bạ ô tô trong nước

Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nghiên cứu chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, ưu đãi lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/3/2023.

Đưa công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 30% GDP vào năm 2030

Mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030; Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1 - 1,5%/năm.

Tiêu chí xác định linh kiện được miễn thuế nhập khẩu sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin

Thông tư số 25/2022/TT-BTTTT ngày 31 tháng 12 năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quy định việc xác định nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2023.
0904177637
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top