Theo Bộ Công Thương, giá trị của ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác tại Việt Nam hiện đạt khoảng trên 1 tỷ USD/năm. Với tỉ lệ tăng trưởng 18%/năm, ngành công nghiệp khuôn mẫu, cơ khí chính xác đang thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngày 22/5, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp (Trung tâm IDC) thuộc Cục Công nghiệp và Tập đoàn Samsung phối hợp tổ chức Chương trình Khai giảng khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu tại Hà Nội thuộc đề án “Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng kỹ sư thiết kế, chế tạo và sản xuất các loại khuôn mẫu trong lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến và chế tạo” thuộc Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2023.
Phát biểu tại Chương trình Khai giảng khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp nhấn mạnh, hiện nay, trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực sản xuất khuôn mẫu là một trong các ngành sản xuất đặc biệt quan trọng, được xem như là “Nền tảng của nền công nghiệp”, đang phát triển theo hướng tập trung đầu tư và phát triển công nghệ. Khả năng tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn và mức độ ổn định cao, các sản phẩm khuôn mẫu là công cụ không thể thiếu trong rất nhiều ngành sản xuất công nghiệp, từ các sản phẩm đồ gia dụng đến các sản phẩm hàng không và điện tử hiện đại.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp phát biểu tại Chương trình Khai giảng khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu
Tuy nhiên tại thời điểm này, hạn chế về năng lực công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp ngành cơ khí khuôn mẫu hiện nay đang phải đối mặt. Trong khi đó, số lượng kỹ sư được đào tạo ra trường hàng năm còn ít và không thể làm việc được nếu không được đào tạo lại.
Bối cảnh kỹ thuật khuôn mẫu đang được xem là công nghệ lõi, là nền tảng của ngành công nghiệp sản xuất, việc phát triển và bồi dưỡng chuyên gia là vô cùng quan trọng. Nâng cao năng lực về kỹ thuật khuôn mẫu chính là đã sở hữu một kỹ thuật sản xuất tiên tiến giúp tối ưu hóa chất lượng gia công sản phẩm đối với các tiêu chí đánh giá bằng thị giác hay xúc giác trên tất cả các sản phẩm ép nhựa, dập áp lực hay gia công chính xác. Từ đó có thể đóng góp rất nhiều trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là hoạt động sản xuất phần cứng cho các thiết bị điện tử.
Để nâng cao năng lực chế tạo và làm chủ công nghệ khuôn mẫu cho doanh nghiệp, từ năm 2020, Cục Công nghiệp đã phối hợp với phía Samsung triển khai các khóa đào tạo nhằm nâng cao chất lượng kỹ sư thiết kế, chế tạo và sản xuất các loại khuôn mẫu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến và chế tạo. Kết quả, Chương trình triển khai năm 2020, 2022 với 103 học viên đào tạo 10 tuần tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và 48 học viên hoàn thành đào tạo thực hành 4 tuần tại Trung tâm đào tạo khuôn mẫu Hàn Quốc sau khi đã hoàn thành 10 tuần tại Việt Nam.
Trong thời gian tới, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Cục Công nghiệp đặt ra là nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng yêu cầu của các khách hàng trong và ngoài nước trong lĩnh vực khuôn mẫu, thông qua chương trình đào tạo nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực ngành khuôn mẫu Việt Nam.
Các học viên chụp ảnh lưu niệm tại Khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu Chương trình Khai giảng khóa đào tạo kỹ sư khuôn mẫu.