Với chủ đề "Giải pháp số hóa và tiết kiệm năng lượng cho nhà máy sản xuất cơ khí", chương trình CafeTech lần 2 năm 2023 do Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA) phối hợp với Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) và Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Doanh nghiệp Thành phố (CSED) tổ chức đã thu hút sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Một số chủ đề nhận được sự chú ý từ các doanh nghiệp như giải pháp xây dựng nhà máy đạt chuẩn quốc tế, vai trò của tự động hóa trong quá trình chuyển đổi số,... Và đặc biệt, giải pháp số hóa và tiết kiệm năng lượng cho nhà máy sản xuất cơ khí đã được các diễn giả thảo luận và chia sẻ dưới nhiều góc độ khác nhau.
Dưới sự chia sẻ của các diễn giả, tiết kiệm năng lượng được hiểu là sử dụng một cách tiết kiệm, vừa đủ và hiệu quả nguồn năng lượng. Tiết kiệm năng lượng giúp giảm tải chi phí phải chi trả cho người sử dụng, bảo vệ môi trường, về lâu về dài sẽ giúp bảo vệ tài nguyên, phát triển kinh tế quốc gia. Còn về bài toán số hóa đối với mỗi doanh nghiệp sản xuất trong từng ngành nghề khác nhau đòi hỏi lãnh đạo các doanh nghiệp cần có tư duy, tầm nhìn cùng sự hỗ trợ kịp thời của nhà nước về nguồn vốn đầu tư và công nghệ mới có thể đẩy nhanh được quá trình số hóa trong thời gian tới. Số hóa và tiết kiệm năng lượng có thể giúp doanh nghiệp đạt được tính bền vững với phương pháp sản xuất hiệu quả: Giảm hàng tồn kho, giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm bớt các yêu cầu vận chuyển.
Theo ông Lê Minh Trung - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển TP. Hồ Chí Minh (CSED), thời gian qua, ngành cơ khí TP. Hồ Chí Minh luôn đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 8% một năm, chiếm tỷ trọng trên 28% trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Một số ngành nghề đã và đang được Thành phố ưu tiên chuyển đổi số trước nhằm mang lại sức mạnh nền kinh tế, trong đó có ngành cơ khí điện chế tạo máy. Về tiêu thụ, thị trường trong nước chiếm hơn 57%, thị trường nước ngoài chiếm khoảng 43%. Trong đó, sản phẩm khuôn mẫu chính xác cao là thế mạnh của các doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Ông Lê Minh Trung - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển TP HCM (CSED) chia sẻ tại chương trình CafeTech lần 2 năm 2023. Ảnh: CSED
Tuy nhiên, như đánh giá của Hội Khoa học kỹ thuật cơ khí TP. Hồ Chí Minh, chất lượng sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp trong nước còn thấp, giá thành sản xuất cao, thiếu sức cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại; chưa có nhiều doanh nghiệp cơ khí lớn; chưa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu... Các doanh nghiệp ngành cơ khí cả nước nói chung và của TP. Hồ Chí Minh nói riêng gặp không ít thách thức, đòi hỏi cần thay đổi cạnh tranh và tồn tại.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, cùng với quá trình tự động hóa, yêu cầu đặt ra đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí - chế tạo là đẩy mạnh chuyển đổi số không chỉ trong sản xuất mà cả quản lý, điều hành, giao dịch thương mại và tìm kiếm đối tác. Việc áp dụng sản xuất thông minh vào dây chuyền sản xuất giúp các nhà máy nâng cao năng lực một cách rõ rệt. Đây được xem là nhu cầu cấp thiết hiện nay đối với không chỉ riêng với ngành cơ khí điện chế tạo máy.
Các doanh nghiệp ký kết hợp tác trong khuôn khổ chương trình CafeTech lần 2 năm 2023.
Cũng tại chương trình CafeTech lần 2 năm 2023, CSED phối hợp cùng Công ty cổ phần đầu tư BIT Group (BIT Group) tổ chức chuỗi đào tạo trong chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác về việc triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp năm 2023 giữa Trung tâm Hỗ trợ & Phát triển Doanh nghiệp Thành phố (CSED) với các Hiệp hội, Hội ngành nghề, và ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau.