Sự kiện - Vấn đề

Monday 13/05/2024 00:05

Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam: Giải pháp đột phá gia tăng tiềm lực quốc gia

26/12/2022 00:12
756 Lượt xem
TCCKVN Hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam trở thành nước phát triển thịnh vượng hùng cường vào năm 2045, định hướng phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam bền vững, bao trùm gắn với chiến lược tăng trưởng xanh dẫn đến gia tăng các công việc năng suất, thâm dụng tri thức và tạo giá trị gia tăng cao đòi hỏi lực lượng lao động (LLLĐ) có chất lượng, trình độ kỹ năng cao đang trở thành tất yếu. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang diễn ra trên toàn cầu với sự kết nối mạnh mẽ của Internet, trí tuệ nhân tạo, rô bốt người máy dần sẽ thay thế lao động giản đơn, đặt ra yêu cầu lao động có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng số, kỹ năng thích ứng, kỹ năng hội nhập, có khả năng tiếp thu nhanh và làm chủ công nghệ mới càng trở nên cấp thiết. Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bắt kịp cùng trình độ tiên tiến của thế giới là một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đang được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp và các bộ ngành liên quan. Xuất phát từ thực tế trên và nhân dịp này, nhóm Phóng viên Tạp chí Cơ khí Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam: Giải pháp đột phá gia tăng tiềm lực quốc gia”. Tạp chí Cơ khí Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

TS.Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp.

Phóng viên: Phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao, được Đảng, Nhà nước ta xác định là một trong ba giải pháp đột phá nhằm thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Theo ông, tại sao phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng lao động hiện nay lại được coi trọng như vậy?

TS.Trương Anh Dũng:

Kỹ năng lao động có vai trò quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng GDP, nhất là trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, số hóa, tự động hóa, toàn cầu hóa và đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến mô hình phát triển của các quốc gia, thúc đẩy nhu cầu nâng cao kỹ năng lao động trên toàn thế giới.

Theo nghiên cứu của Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế  (ILO) về chiến lược đào tạo G20 cho thấy, LLLĐ có kỹ năng nghề đóng vai trò quan trọng mang tính quyết định đối với sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Ở các nước châu Âu, nếu số ngày đào tạo kỹ năng tăng thêm 1% thì năng suất lao động tăng thêm 3%, 16% tăng trưởng năng suất lao động tổng thể là nhờ vào đào tạo kỹ năng. Đặc biệt, khi mà LLLĐ đang già hóa và bắt đầu giảm mạnh vào năm 2040, cộng với tỉ trọng lớn số lượng việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp và sự tác động của CMCN 4.0, người lao động cần phát triển đa dạng các kỹ năng để tiếp tục cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu hiện tại và tương lai. Ngay cả những nền kinh tế phát triển như Đức, Hàn Quốc cũng tăng trưởng dựa vào LLLĐ có kỹ năng nghề nghiệp.

Việt Nam là một nước đang phát triển, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh tế hiện chủ yếu sử dụng lao động giá rẻ, số lượng lao động khu vực phi chính thức rất cao nên sẽ chịu tác động nặng nề hơn trong xu thế ra đời và biến mất của nhiều ngành/nghề và công việc do số hóa, tự động hóa, chuyên môn hóa và toàn cầu hóa sản xuất của CMCN 4.0.

Chắc chắn thị trường lao động và việc làm ngày càng phân hóa theo hai nhóm kỹ năng thấp/lương thấp và kỹ năng cao/lương cao. Nhu cầu lao động có kỹ năng cao tăng trong khi nhu cầu đối với người lao động ít được đào tạo và kỹ năng thấp giảm. Nó không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới, kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế số.

Hiện tại, Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Chính vì vậy, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao cùng với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thực hiện tốt khâu đột phá này sẽ gia tăng tiềm lực và sức mạnh của quốc gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết định sự thành công của tiến trình hiện đại hóa nền kinh tế và hội nhập quốc tế, thích ứng với CMCN 4.0.

Phóng viên: Báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai do Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao; Chỉ số chất lượng đào tạo nghề, Việt Nam xếp hạng 80/100 quốc gia. Điều đó cho thấy, còn rất nhiều dư địa để phát triển kỹ năng nghề cho LLLĐ Việt Nam. Ông có thể chỉ rõ thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề hiện nay?

TS.Trương Anh Dũng:

Theo Quyết định số Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025, cả nước có trên 1.900 cơ sở GDNN, trong đó có 429 trường cao đẳng, trung cấp được lựa chọn để đào tạo các ngành, nghề trọng điểm tại 144 ngành, nghề trọng điểm ở các cấp độ;

Giai đoạn 2011-2022, số lượng tuyển sinh lĩnh vực GDNN đạt 19,67 triệu người, trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng đạt 1,945 triệu người (chiếm 9,8%), trình độ trung cấp đạt 2,3 triệu người (chiếm 11,86%). Quy mô đào tạo tăng trưởng hàng năm, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của cả nước đến quý II/2022 đạt 26,2%. Ngành, nghề đào tạo được mở rộng dần, từng bước phù hợp với thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động ở từng địa phương, từng lĩnh vực.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề nước ta thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực; đã xuất hiện nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

Chất lượng, hiệu quả GDNN từng bước được nâng lên (năm 2019 tăng 13 bậc), đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Kỹ năng nghề của người học được tăng cường, khoảng 80% người tốt nghiệp đã có việc làm phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế.

Ở một số nghề (hàn, cơ-điện tử, viễn thông, logistic, du lịch, dầu khí…), kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện. Trong các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới, đoàn Việt Nam đã đạt thứ hạng cao (năm 2022, Việt Nam có 02 huy chương bạc tại cuộc thi kỹ năng nghề thế giới phiên bản đặc biệt) chất lượng đào tạo nghề bước đầu được khẳng định ở tầm khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về lao động có kỹ năng nghề phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập ngày càng sâu rộng, LLLĐ Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập thể hiện ở các khía cạnh như: lao động qua đào tạo chưa có văn bằng, chứng chỉ chiếm đa số gần 74% trong LLLĐ; sự thiếu hụt kỹ năng cơ bản, kỹ năng cốt lõi và kỹ năng chuyên môn, kỹ thuật phổ biến, nhất là các lĩnh vực, ngành, nghề có sự thâm dụng về lao động, năng suất lao động và các chỉ số liên quan đến kỹ năng lao động Việt Nam thấp so với khu vực và thế giới; mất cân đối về cơ cấu lao động theo ngành, nghề, giữa vùng, miền, giữa nông thôn và thành thị; lao động yếu thế, lao động thuộc lĩnh vực kinh tế phi chính thức chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu LLLĐ; khoảng 90% lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có trình độ kỹ năng nghề thấp, lao động giản đơn, khó khăn khi hội nhập thị trường lao động quốc tế. Những mặt hạn chế này bộc lộ rõ nét khi xuất hiện các làn sóng của đại dịch Covid-19. Nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, chuỗi cung ứng về lao động bị đứt gãy, sự thiếu hụt lao động có kỹ năng, trình độ cao trở nên nghiêm trọng ở nhiều ngành nghề. Một lượng lớn người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, tập trung chủ yếu ở nhóm có trình độ tay nghề thấp.

Kỹ năng nghề của lao động Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Phóng viên: Theo ông, nguyên nhân của những hạn chế, bật cập này là vì sao?

TS.Trương Anh Dũng:

Nguyên nhân của tồn tại trên, một phần do hạn chế về cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện về phát triển kỹ năng nghề, đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG cho người lao động, như: chưa có cơ chế hiệu quả để kết nối, gắn kết đồng hành các bên liên quan giữa Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong việc đảm bảo hệ sinh thái kỹ năng nghề cho nâng tầm kỹ năng lao động, trong xây dựng tiêu chuẩn KNNQG làm cơ sở cho chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề. Các bộ, ngành chưa quan tâm, thực hiện hết trách nhiệm về công tác xây dựng, cập nhật, chỉnh sửa các bộ tiêu chuẩn KNNQG; mục đích của tiêu chuẩn KNNQG chưa được sử dụng đầy đủ, triệt để; chưa có chính sách đầy đủ cũng như chưa thực hiện tốt và triệt để chính sách đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG gắn với nâng cao trình độ kỹ năng nghề theo quy định của Luật Việc làm và ngược lại việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề chưa gắn với việc đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG.

Hệ thống đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG nhỏ về quy mô, yếu về năng lực, chưa thu hút được người lao động tham gia đánh giá KNNQG, chưa đảm bảo được người lao động hoàn thiện kỹ năng, năng lực nghề nghiệp để tìm việc làm phù hợp hoặc công việc yêu cầu có chứng chỉ KNNQG.

Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động chưa được thực hiện đầy đủ; doanh nghiệp chưa thể hiện tính dẫn dắt hoạt động phát triển kỹ năng nghề…

Phóng viên: Có cơ cấu “dân số vàng”, với lực lượng lao động dồi dào (chiếm hơn 50% tổng dân số), Việt Nam đang nắm trong tay lợi thế lớn để tiếp cận trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, tạo nên sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập quốc tế, tham gia các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài. Dự thảo Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đặt mục tiêu phát triển kỹ năng nghề cho LLLĐ như thế nào để tận dụng lợi thế này? Điểm nổi bật trong dự thảo Đề án là gì, thưa ông?

TS.Trương Anh Dũng:

Mục tiêu của Đề án là chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, giúp hình thành nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao. Phấn đấu nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng LLLĐ Việt Nam để bắt kịp, cùng tiến với các nước ASEAN - 4 và tiếp cận các nước phát triển.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 chuẩn hóa trình độ KNNQG cho khoảng 50% LLLĐ. Trong đó, trên 30% lao động đạt trình độ cao có bậc trình độ KNNQG 4, 5 hoặc trình độ tương ứng. Ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề thuộc công nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, người lao động các ngành nghề kinh tế trọng điểm, chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bảo đảm cơ hội tiếp cận về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, học tập suốt đời cho trên 70% LLLĐ; đồng thời, nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG, đảm bảo trên 90% lao động được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và tham gia hiệu quả thị trường lao động quốc tế. Nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng nghề LLLĐ thuộc nhóm 80 quốc gia đứng đầu.

Nổi bật trong dự thảo Đề án "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" là đề xuất chính sách cho vay ưu đãi và cấp phát thẻ phát triển kỹ năng nghề cho người lao động. Các mức hỗ trợ, ưu đãi tùy theo độ tuổi và nhu cầu của người lao động. Các nhà giáo, đánh giá viên kỹ năng nghề có nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ KNNQG được đề xuất cấp thẻ phát triển kỹ năng nghề một lần theo mức lương cơ sở. Các chuyên gia có kỹ năng, trình độ cao đáp ứng một số tiêu chí đưa ra được đề xuất sẽ được nhận mức hỗ trợ phù hợp.

Phóng viên: Việc nâng tầm kỹ năng cho người lao động về cả số lượng, chất lượng là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh của quốc gia. Theo ông, hệ thống GDNN cần phải đổi mới như thế nào để đáp ứng yêu cầu nâng cao kỹ năng lao động?

TS.Trương Anh Dũng:

Triển khai đồng bộ chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp, các đề án chuyển đổi số, Đề án đào tạo nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng CMCN 4.0, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trước mắt, ngành Lao động-Thương binh & Xã hội tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, đáp ứng nhu cầu sử dụng nhân lực của thị trường lao động cũng như sự phát triển bền vững của đất nước, của CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế.

Việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN được chú trọng cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo, trên cơ sở kế thừa, phát huy những thành tựu đạt được, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Hiệu quả của hoạt động GDNN sẽ được đo bằng tiêu chí "chấp nhận của thị trường lao động".

Ngoài các yếu tố như đầu vào, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất trang thiết bị, quản trị nhà trường, cần đẩy mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo tại các cơ sở GDNN.

Đào tạo, đào tạo lại (đặc biệt đào tạo tại doanh nghiệp) để thích ứng với thế giới việc làm đang đổi thay là hết sức quan trọng. Mọi người lao động phải không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc, chủ trương biến các doanh nghiệp thành trường nghề thứ 2 cần được đẩy mạnh

Nâng tầm kỹ năng lao động, không phải là nhiệm vụ riêng của một ai, mà là của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực, cơ chế, chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh, phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên. Cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ sở GDNN để triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.

Trân trọng cám ơn ông!

Bùi Nga

Có thể bạn quan tâm

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Lễ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất vật liệu phân huỷ sinh học công nghệ cao

Ngày 11/5, tại Khu Công nghiệp Đình Vũ, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải (TP. Hải Phòng), Công ty TNHH Ecovance Việt Nam thuộc SK Leaveo (Li-vi-ô) Hàn Quốc, phối hợp cùng UBND thành phố Hải Phòng tổ chức Lễ khởi công Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất vật liệu phân hủy sinh học công nghệ cao.

Hải Phòng nâng tầm Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ 11

Tính đến năm 2023, Lễ hội hoa phượng đỏ Hải phòng đã đi qua 10 lần tổ chức. Qua 10 lần được trình diễn tại khu vực Nhà hát Lớn lịch sử cổ kính ấy, đã để lại nhiều dư âm tốt. Nhưng để được tổ chức phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân, du khách, thì lễ hội lần thứ 11 này, thành phố quyết định chọn địa điểm rộng lớn để tổ chức Lễ hội sao cho tầm cỡ và xứng tầm Di sản.

Sản xuất công nghiệp duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực

Sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, ước tính tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Hải Phòng sẽ bắn pháo hoa liền 10 tháng

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, vừa đồng ý với đề nghị của UBND thành phố Hải Phòng về việc tổ chức một điểm bắn pháo hoa nổ tầm thấp (số lượng: 90 giàn/lần bắn), thời lượng không quá 15 phút vào lúc 21 giờ 00 phút các ngày từ thứ Bảy, Chủ Nhật hàng tuần kéo dài liền 10 tháng (từ 27/4/2024 đến 01/01/2025), địa điểm diễn ra sự kiện tại Khu vui chơi giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên thuộc huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Ngành Công Thương Thái Nguyên nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu năm 2024

Trong quý I/2024, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 203 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ và đạt 19,2% kế hoạch cả năm.
0904177637
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top
  • MASTER38 MASTER38 MASTER38 MASTER38 BOSSWIN168 BOSSWIN168 BOSSWIN168 BOSSWIN168 BOSSWIN168 COCOL88 COCOL88 COCOL88 COCOL88 MABAR69 MABAR69 MABAR69 MABAR69 MABAR69 MABAR69 MABAR69 MAHJONG69 MAHJONG69 MAHJONG69 MAHJONG69 RONIN86 RONIN86 RONIN86 RONIN86 RONIN86 RONIN86 RONIN86 RONIN86 ZONA69 ZONA69 ZONA69 NOBAR69
    SLOT GACOR HARI INI SLOT GACOR HARI INI
    COCOL88